Tập đoàn Lã Vọng muốn đầu tư dự án 18.000 ha tại Lâm Đồng
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ký văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc tổ chức khảo sát, nghiên cứu tài trợ kinh phí lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án tại huyện Di Linh và Lâm Hà của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Tài chính Việt Nam (VFI Group), Công ty CP Thương mại Ngôi Nhà Mới và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Israel.
Tại văn bản trên, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đồng ý để liên danh Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Tài chính Việt Nam (VFI Group), Công ty CP Thương mại Ngôi Nhà Mới và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Israel tổ chức khảo sát, nghiên cứu tài trợ kinh phí lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án Quần thể vui chơi giải trí làng châu Âu tại khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 2, huyện Di Linh và huyện Lâm Hà.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với giám đốc Sở Xây dựng, UBND huyện Di Linh, UBND huyện Lâm Hà và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất đảm bảo quy mô phù hợp và không trùng lấn với dự án đầu tư hoặc đồ án quy hoạch đã được UBND tỉnh chấp thuận.
Theo đề xuất, dự án có quy mô dự kiến khoảng 18.000 ha, với địa điểm thực hiện tại khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 2, huyện Di Linh (khoảng 12.500 ha) và huyện Lâm Hà (khoảng 5.500 ha).
Cũng theo liên danh trên giới thiệu bước đầu, dự án sau khi hình thành được kỳ vọng là điểm nhấn độc đáo cho khu vực, tạo thành một khu vui chơi giải trí đồng bộ hiện đại với phong cách kiến trúc đặc sắc mang phong cách châu Âu, tổ chức hệ thống cây xanh, công viên, khu vui chơi giải trí dưới nước dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng kế thừa tinh hoa của các khu nghỉ dưỡng độc đáo và đẳng cấp trên thế giới,…
Chấp thuận chủ trương đầu tư tuyến cáp treo kết nối Chùa Long Vân và Chùa Tiên 1.726 tỷ đồng
Ngày 16/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 357/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận Nhà đầu tư Dự án Tuyến cáp treo Hương Bình tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội (Dự án).
Theo đó, xây dựng tuyến cáp treo Hương Bình nhằm kết nối giao thông giữa hai khu di tích thắng cảnh Chùa Long Vân và Chùa Tiên và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại khu vực.
Nhà đầu tư Dự án là Công ty TNHH một thành viên Du lịch Thái Bình.
Về quy mô Dự án, chiều dài toàn tuyến cáp khoảng 2,965 km; trong đó, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình dài 1,486km, trên địa bàn thành phố Hà Nội dài 1,479km.
Tổng diện tích sử dụng đất của Dự án (cả hai đầu Hòa Bình và Hà Nội) là 35,05 ha.
Trong đó, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, diện tích sử dụng đất khoảng 17,19 ha; bao gồm các hạng mục chính: Nhà ga động lực; các công trình khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng, bến thuyền, cổng chào chính, chòi dịch vụ.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội, diện tích sử dụng đất khoảng 17,86 ha; bao gồm các hạng mục chính: Nhà ga chính và các chức năng (khu văn phòng điều hành, quầy bán vé, phòng y tế, cửa hàng bán đồ lưu niệm); khu kỹ thuật-vận hành cáp treo (cabin, phòng kỹ thuật,...); khu đón tiếp và không gian cho khách xếp hàng chờ trước khi lên cabin; các công trình phục vụ tuyến cáp treo (nhà chờ); các công trình chòi nghỉ chân; các công trình trong khu vực đất cây xanh để tạo cảnh quan và làm nơi nghỉ chân cho du khách.
Vốn đầu tư của Dự án (đã bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) là 1.726,339 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm kể từ ngày 16/3/2022.
Tiến độ thực hiện Dự án từ năm 2022 đến năm 2024 (dự kiến khai thác, vận hành dự án vào quý IV/2024).
Đồng Nai bàn giao thêm hơn 300ha đất xây dựng sân bay Long Thành
UBND huyện Long Thành vừa tổ chức bàn giao thêm 304 ha đất thuộc khu vực 1.810 ha giai đoạn 1 dự án sân bay quốc tế Long Thành. Trong đó, 1.500 ha đã được bàn giao chính thức cho Cảng vụ hàng không miền Nam để giao lại cho các chủ đầu tư. Phần diện tích còn lại được bàn giao tạm để đảm bảo tiến độ thi công các hạng mục.
Dự kiến ngày 23/3, Đồng Nai sẽ tiếp tục bàn giao thêm 300 ha đất thuộc khu vực đất dôi dư (722ha).
Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo tỉnh Đồng Nai tập trung hoàn thành bàn giao toàn bộ 1.810 ha và bàn giao 722 ha khu vực đổ đất dự trữ trong tháng 2/2022 như cam kết của địa phương. Đối với phần diện tích còn lại hoàn thành trước 30/6/2022. Phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án vào quý 1/2025.
Dự án sân bay quốc tế Long Thành được xây trên diện tích 5.000 ha, là cảng hàng không đạt cấp 4F, có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất ba giai đoạn vào năm 2050. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 16 tỉ USD. Để xây dựng sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai phải thu hồi đất của 5.283 hộ dân và 26 cơ quan tổ chức thuộc 6 xã của huyện Long Thành gồm Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Bàu Cạn, Long An và Long Phước.
Giai đoạn 1 của dự án có diện tích 1.800ha đã được khởi công từ tháng 1.2021 và phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
TP Hồ Chí Minh chi gần 36 tỉ đồng lập Đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040
UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định về duyệt đề cương nhiệm vụ và tổng dự toán lập Đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức (thuộc TP.HCM) đến năm 2040.
Cụ thể, phạm vi lập quy hoạch: Toàn bộ TP Thủ Đức; quy mô lập quy hoạch: Khoảng 21.156 ha (lập bản đồ địa hình tỉ lệ 1/10.000).
TP.HCM yêu cầu trọng tâm đối với công tác nghiên cứu quy hoạch TP Thủ Đức như sau: Rà soát quy hoạch chung TP.HCM và các quy hoạch chuyên ngành đã được triển khai thực hiện trên địa bàn TP Thủ Đức.
UBND TP.HCM yêu cầu cơ quan chức năng phân tích, đánh giá việc triển khai thực hiện quy hoạch chung TP.HCM. Trong đó, tập trung vào việc thực hiện các định hướng phát triển khu đô thị hướng Đông TP với vai trò là trung tâm mới mở rộng của TP (khu đô thị mới Thủ Thiêm) và là khu đô thị khoa học công nghệ, hạt nhân; Khu công nghệ cao và khu ĐH Quốc gia.
Cạnh đó, các cơ quan cần dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, trong bối cảnh phát triển của TP.HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. Việc dự báo nhu cầu phải đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển, bám sát các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển không gian TP.HCM.
Cạnh đó, nghiên cứu trên nền đô thị đã hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ để đề xuất mô hình phát triển TP Thủ Đức theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) gắn với quy hoạch sử dụng đất có hiệu quả. Từ đó tạo thêm dư địa phát triển từ giá trị đất và bảo đảm khả năng dự trữ cho tương lai, bảo vệ môi trường…
Đồng thời, cơ quan chức năng cần làm rõ các tiền đề hiện có (địa lý, kinh tế, hạ tầng, nhân lực...) và các điểm hạn chế trong việc TP Thủ Đức với vai trò trung tâm đổi mới sáng tạo lớn của Việt Nam.
Tổng dự toán chi phí cho việc lập đồ án này là gần 36 tỉ đồng. Dự kiến quy mô dân số đến năm 2030 của TP Thủ Đức đạt khoảng 1,5 triệu người; năm 2040 đạt khoảng 2,2 triệu người, hướng đến 3 triệu người sau năm 2040.
Quy mô đất đai: Đến năm 2030 dự kiến đất xây dựng đô thị khoảng 18.830 ha, đến năm 2040 dự kiến đất xây dựng đô thị khoảng 19.994 ha.
Theo Huy Tùng (T/H)/PetroTimes
Link nội dung: https://gocnhinbatdongsan.vn/tin-bat-dong-san-ngay-183-tap-doan-la-vong-muon-dau-tu-du-an-18000-ha-tai-lam-dong-a4037.html