Kiểm soát nguy cơ xảy ra "bong bóng" BĐS
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 1767/CĐ-TTg về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua; chỉ đạo của Bộ Xây dựng đánh giá, kiểm soát nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản và tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, tránh để xảy ra tình trạng "bong bóng" bất động sản trên địa bàn.
Theo đó, UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì công bố công khai các đồ án về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính... tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng phao tin đồn, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Sở TN&MT thực hiện quản lý, kiểm soát chặt chẽ công tác đấu giá đất, việc định giá đất bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản; tập trung rà soát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tư vấn đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường; đánh giá tình hình, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là tác động của các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, có ý đồ gây biến động lớn về giá để trục lợi...
Sở Tài chính phối hợp Sở TN&MT thực hiện quản lý, kiểm soát việc quản lý giá đất nhằm bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản.
UBND thành phố giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh thành phố Hà Nội chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát việc cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất, đầu tư các dự án bất động sản bảo đảm đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về cho vay vốn tín dụng..
Sở Kế hoạch & Đầu tư phối hợp Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đặc biệt là các dự án bất động sản nhà ở cao cấp để xử lý theo hướng sau: Đối với các dự án bất động sản nhà ở trung, cao cấp đang tồn kho hoặc chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh quy mô căn hộ sang phân khúc bình dân thì cần giải quyết ngay thủ tục cho phép chuyển đổi; có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại đối với các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở phân khúc bình dân, giá thấp đang gặp khó khăn trên phạm vi địa bàn...
Đồng thời, Sở Xây dựng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm về đầu tư kinh doanh, môi giới bất động sản; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn, tạo hiệu ứng đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường; xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất chưa đủ điều kiện tham gia thị trường bất động sản...
Giá nhà, đất “tăng nóng” dịp cuối năm
Theo báo cáo của các Hiệp hội BĐS và đơn vị đánh giá thị trường BĐS có thể thấy trong tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022, thị trường BĐS của Hà Nội đang có những bước nhảy khá mạnh về giá trị lẫn khối lượng giao dịch.
Khảo sát tại huyện Hoài Đức, nhiều vị trí đẹp ở xã La Phù trước đây có mức giá từ 90 -120 triệu đồng/m2 thì nay đã được chào giá từ 130 – 150 triệu đồng/m2.
Cụ thể, theo báo cáo của Savills, trong quý IV/2021, giá sơ cấp trung bình của biệt thự Hà Nội đạt 180 triệu đồng/m2 đất, tăng 60% theo quý và 82% theo năm. Giá trung bình của nhà liền kề là 171 triệu đồng/m2 đất, tăng 33% theo quý và 54% theo năm. Trong khi đó giá trung bình của nhà phố đạt khoảng 239 triệu đồng/m2 đất, tăng 12% theo quý và 30% theo năm. Savills nhận định, dù hầu hết các chủ đầu tư đều không thay đổi bảng giá, giá sơ cấp trung bình vẫn tăng đáng kể do nguồn cung mới đắt đỏ.
Đặc biệt mới đây, khi thông tin Hà Nội chuẩn bị phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, lực lượng môi giới nhà, đất lại rầm rộ đổ về các địa phương, các dự án tiếp giáp khu vực sông Hồng để tạo sóng. Trên thị trường đầy rẫy thông tin môi giới BĐS rao bán đất thổ cư, đất nền dự án, đất nông nghiệp,… ở những khu vực dự kiến quy hoạch và vùng ven của khu vực quy hoạch. Cứ thế, giá nhà đất ở những khu vực này cũng được đồn thổi và tăng giá theo.
Điển hình là tại xã Đông Dư (huyện Gia Lâm, Hà Nội), lô đất thổ cư nằm ở mặt đường của thôn có diện tích 50m2 đang được rao bán ở mức 2,2 tỷ đồng (40 triệu đồng/m2) trong khi hồi đầu năm có giá 30 - 32 triệu đồng/m2. Còn tại khu vực tuyến phố Thạch Cầu (quận Long Biên, Hà Nội), người dân cho biết giá đất đang có dấu hiệu tăng nóng, chênh khoảng 20 - 60 triệu đồng/m2 so với hồi đầu năm và tùy vị trí.
Còn các xã thuộc phân khu đô thị sông Hồng như Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh (huyện Đông Anh),… số lượng văn phòng môi giới, giao dịch nhà đất xuất hiện dày đặc. Chỉ tính riêng khu vực chân cầu Nhật Tân thuộc địa phận ven đê xã Vĩnh Ngọc, trong bán kính 1km đã có tới hàng chục văn phòng môi giới nhà đất lớn nhỏ.
Những khu vực ngoại thành khác như huyện Sóc Sơn, Hoài Đức, Mê Linh, thị xã Sơn Tây, Hòa Lạc, giá đất cũng đã tăng thêm 12 -16 triệu đồng/m2 đất. Đặc biệt, đất Ba Vì đang trở thành điểm “nóng sốt” khi có thông tin quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Ba Vì-Suối Hai, giá đất thổ cư, đất vườn quả, đất lâm nghiệp có sổ lâm bạ tại khu vực này đã tăng lên 45 - 50% so với vài tháng trước nhưng tùy vị trí và tính pháp lý của đất.
Theo Trần Hoàng - Phan Thiên/ Báo Tiền Phong
Link nội dung: https://gocnhinbatdongsan.vn/ha-noi-cong-khai-thong-tin-quy-hoach-gia-nha-de-tranh-lam-gia-bat-dong-san-a3806.html