Trước thông tin ‘thổi giá’ đất, nhà đầu tư cần làm gì?

Thị trường bất động sản trở nên sôi động trong những ngày qua. Tuy nhiên, đi cùng với đó là thông tin thổi giá từ người rao bán mà không phản ánh rõ thị trường. Chính vì vậy, nhà đầu tư cần thận trọng, cảnh giác để tránh bị lừa.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) cho hay, nhu cầu đầu tư và giá chào bán nhà đất tăng lên vì nguồn cung mới khan hiếm do vướng thủ tục pháp lý kéo dài, quỹ đất hữu hạn, chi phí đầu vào cao, chi phí tài chính phình to.

Dù tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp nhưng đây là thời điểm cho nhà đầu tư có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính.

Theo đó, trên thị trường xuất hiện một lực lượng đầu tư mới cũng như các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã lướt sóng thành công, tiếp tục đón bắt cơ hội đầu tư vào bất động sản lúc này.

Tuy nhiên, trước những diễn biến tăng giá một chiều mà chưa phản ánh rõ bức tranh thị trường như hiện nay, nhà đầu tư nên thận trọng với những thông tin thổi giá.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, giá đất khu vực vùng ven thủ đô Hà Nội như Quốc Oai tăng 20%, Ba Vì tăng 45%, một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình tăng 46%, Bắc Ninh 20%, Hưng Yên 26%. Tại các địa phương khác như Thanh Hóa; TP.Thủ Đức, H.Cần Giờ của TP.HCM; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai... cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bất động sản (BĐS) khuyến cáo nếu giá đất có tăng thì chỉ cục bộ ở một số khu vực, chứ không có chuyện tăng giá khắp nơi, sốt nóng như các thông tin gần đây vì thực tế nhu cầu về nhà đất vẫn còn chưa thể hồi phục sau dịch Covid-19.

Báo cáo nghiên cứu thị trường quý 3/2021 của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021, giá nhà tại Tp.HCM và Hà Nội tiếp tục xu hướng tăng bất chấp ảnh hưởng từ dịch bệnh. Theo đó, giá căn hộ tại Tp.HCM tăng 4%, nhà riêng/nhà phố tăng từ 2-20% tùy loại hình và khu vực. Tương tự, ở Hà Nội, giá chung cư tăng trung bình 4-7% trong khi nhà riêng/nhà phố tăng 7-17% so với cùng kì.

Lý giải nguyên nhân về tình trạng sốt đất, nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn cung khan hiếm cộng với dòng vốn đổ vào bất động sản tương đối dồi dào là những nguyên nhân chính. Hiện nay một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào bất động sản tìm cơ hội đầu tư cũng tạo áp lực tăng giá.

Dù kinh tế khó khăn do dịch Covid-19 thì nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao. Càng trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn. Từ đầu năm 2021, dòng tiền đổ vào bất động sản tăng nhanh khiến nhiều nơi còn xảy ra tình trạng sốt đất.

Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam, khó có thể có sốt đất trên diện rộng hoặc nếu có thì lại là 1 -2 cơn sốt ảo cục bộ tại một vài nơi nào đó với những thông tin không xác thực.

“Việc sốt BĐS cũng được dự báo nhưng không có nghĩa là cơn sốt diễn ngay sau khi nới giãn cách. Theo đó, việc mặt bằng giá BĐS tăng thể hiện những tác động của thị trường nhưng các chuyên gia cũng nhấn mạnh, nhà đầu tư cũng thận trọng với những thông tin thổi giá vin vào cớ nguồn cung hạn chế, hay sức mua tăng đột biến”, ông Hoàng cho biết thêm.

“Tại một số khu vực, bất động sản trước đó chưa được đánh giá cao nhưng sau "sốt đất" đã xảy ra hiện tượng giá tăng vượt quá giá trị thực tế, trở thành giá trị ảo. Điều này dẫn đến rủi ro cao cho các nhà đầu tư; đồng thời gây ra hệ lụy xấu cho toàn thị trường cũng như ảnh hưởng đến nền kinh tế”, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phiên Nghiên cứu và Tư vấn Savills Việt Nam khuyến nghị.

Theo Quang Duy/ Sở hữu Trí tuệ

Link nội dung: https://gocnhinbatdongsan.vn/truoc-thong-tin-thoi-gia-dat-nha-dau-tu-can-lam-gi-a3587.html