Tập đoàn Hoà Phát (mã: HPG) không phải là "tay mơ" trong lĩnh vực bất động sản. Họ đã từng làm các dự án lớn và đạt biên lợi nhuận tốt như Mandarin Garden 1, Mandarin Garden 2. Song "trận đánh lớn" lần này của Hoà Phát vào bất động sản mang tầm quy mô lớn và vị thế khác, bất động sản sẽ là ngành kinh tế chủ lực thứ 2 bên cạnh ngành thép của tập đoàn.
Gọi tên Khánh Hoà, Cần Thơ
Theo nguồn tin của chúng tôi, Hoà Phát đã có những bước đi thần tốc trong việc "gom đất" tạo quỹ đất cho tập đoàn tại nhiều địa phương với mục tiêu lọt top 3 doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam. Lãnh đạo tập đoàn đã có nhiều cuộc làm việc với các lãnh đạo tỉnh thành như Khánh Hoà, cùng một số địa phương...để đề xuất ý tưởng làm dự án. Doanh nghiệp cũng sẵn sàng M&A nếu như có giá tốt. Công cuộc tìm đất vô cùng ráo riết. Là "tay chơi" bất động sản muộn nhưng Hoà Phát đang có những bước đi thần tốc. Quỹ đất của Hoà Phát dự kiến có thể làm đạt 2.000ha, trong đó có 700ha đất thương phẩm.
Đặc biệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Đình Long sau thời gian dài cùng các "đồng đội" gây dựng Dung Quất và "hái những quả ngọt" là lợi nhuận kỷ lục đã chuyển giao việc phát triển ngành thép cho Phó Chủ tịch Trần Tuấn Dương để bản thân chuyên tâm với "trận đánh lớn" bất động sản.
Phân khúc bất động sản mà tập đoàn hướng đến đó là bất động sản khu công nghiệp, đại đô thị, sân golf. Sản phẩm cốt lõi là các đại đô thị diện tích từ 300-500ha tương đương với các đại đô thị như Ecopark hay Oceanpark hiện nay. Hoà Phát sẽ làm bất động sản cao cấp nhưng không phải siêu sang, nhắm đến những người dân có thu nhập trung bình và cao.
Thông tin từ các địa phương cho hay, UBND TP Cần Thơ mới đây đã có văn bản chấp thuận cho Hòa Phát khảo sát, nghiên cứu, đề xuất 3 dự án bao gồm: dự án Khu đô thị thương mại - dịch vụ cao cấp tại quận Bình Thủy, quy mô khoảng 452 ha; khu đô thị thương mại - dịch vụ 88,2 ha (gồm khu nhà ở 58,2 ha và trung tâm hội chợ triển lãm 30 ha) tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng; khu đô thị thương mại - dịch vụ quy mô 6,24 ha tại đường Lê Lợi và đường Trần Văn Khéo thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.
Chủ tịch HĐQT Hoà Phát đề xuất ý tưởng dự án tại Cần Thơ. Ảnh: nguồn tin cung cấp
Về phía tỉnh Khánh Hoà, cuối tháng 11, Hoà Phát và KDI Holding sau thời gian dài nghiên cứu về tiềm năng đã đề xuất lên UBND tỉnh được quy hoạch phân khu hai bên bờ Sông Cái và phát triển dự án tại thành phố Nha Trang; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Ninh Xuân tại thị xã Ninh Hoà, quy mô 1300ha; Dự án Khu đô thị dịch vụ và Sân Golf tại thị xã Ninh Hoà, quy mô 1500ha.
Với quy mô này, có thể thấy Hoà Phát cùng với đại gia Kiều Hữu Dũng (KDI Holding) ở Khánh Hoà đã chọn tỉnh thành này để đầu tư lớn nhất.
Chủ tịch HĐQT Hoà Phát đề xuất ý tưởng dự án tại Khánh Hoà. Ảnh: nguồn tin cung cấp
Hoà Phát mang vị thế của một doanh nghiệp kinh doanh có thặng dư lớn và tái đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Dù đầu tư vào bất động sản muộn nhưng vẫn có thế mạnh đó là sức mạnh của "tiền tươi" đến từ lợi nhuận hàng năm từ sản xuất kinh doanh thép. Trong khi các doanh nghiệp khác đang gặp khó về giá vật liệu xây dựng thì Hoà Phát lại có "cây nhà là vườn" là tôn, thép với chất lượng đã được khẳng định.
Sức mạnh tiền tươi thể hiện ngay trên báo cáo tài chính của Hoà Phát. Tại thời điểm 30/9/2021, HPG có tổng tài sản 174.643 tỷ đồng, trong đó nợ vay và thuê tài chính ngắn và dài hạn khoảng 60.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là khoảng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 35.000 tỷ đồng. Công ty có khoản 13.376 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, 24.000 tỷ tiền gửi có kỳ hạn và trái phiếu.
Hoà Phát vừa công bố sản lượng thép của Hòa Phát đạt 8 triệu tấn sau 11 tháng, tăng 33% so với cùng kỳ, HRC cán mốc 3 triệu tấn, sản lượng tôn tăng 150% lên 380.000 tấn. HRC là mảng đem lại biên lợi nhuận cao cho Hoà Phát. Với sản lượng này, năm 2021 sẽ là năm rực rỡ nhất về lợi nhuận của tập đoàn, đạt khoảng 34.000- 35.000 tỷ năm nay.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mới đây đã đưa ra ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Hoà Phát trong quý 4 đạt lần lượt 46.023 tỷ, tăng 78% so với cùng kỳ và 10.893 tỷ, tăng 133,7% so với cùng kỳ nhờ sản lượng tăng mạnh. Song, giá bán HRC và thép xây dựng dự kiến giảm làm biên lợi nhuận của HPG giảm so với quý 3. Dự báo năm 2022, doanh thu của HPG ước đạt 147.932 tỷ đồng giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận 33.181 tỷ, giảm 12% so với năm trước. Tính toán được dựa trên giá thép xây dựng dự báo giảm xuống 14,5 triệu đồng/tấn (-9,4%) trong năm 2022. Giá HRC dự báo giảm xuống 17 triệu đồng/tấn (-11,5%) trong năm 2022.
Với mỗi quý lãi bình quân trên 10.000 tỷ đồng, nếu không tái đầu tư mở rộng thì "núi tiền mặt" của Hoà Phát sẽ ngày càng tăng mạnh. Do đó, động thái đầu tư thần tốc vào bất động sản được đánh giá là bước đi hợp lý, đặc biệt khi tập đoàn đã có thế mạnh vật liệu và kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Bất động sản sẽ trở thành ngành chủ lực chỉ sau thép
Với những dự án ấp ủ và quy mô lớn như trên, rõ ràng bất động sản sẽ là ngành chủ lực thứ 2 đem về doanh thu và lợi nhuận tốt cho tập đoàn chỉ sau ngành thép trong 2-3 năm tới.
Tại đại hội cổ đông năm 2021, Hoà Phát đã công bố Hệ sinh thái gồm 4 tổng công ty, bao gồm Tổng công ty Gang thép, Tổng công ty sản phẩm thép, Tổng công ty nông nghiệp và Tổng công ty Bất động sản. Chủ trương của ban lãnh đạo Hoà Phát là khi doanh thu tập đoàn lên đến con số 200.000 tỷ đồng/năm sẽ mở rộng đa ngành, trong đó là bất động sản. Trong năm qua ban lãnh đạo Hoà Phát cũng đi khắp các tỉnh để tìm dự án vì giá vốn thấp, và chủ trương M&A khi có lợi nhuận tốt.
Riêng lĩnh vực bất động sản sẽ do Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Hòa Phát (Tổng công ty bất động sản) đảm nhiệm. Công ty này được thành lập vào tháng 12/2020 với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Lĩnh vực bất động sản của Hòa Phát bao gồm hai mảng kinh doanh chính là bất động sản khu công nghiệp và khu đô thị.
Về bất động sản khu công nghiệp, Hòa Phát đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật 3 KCN bao gồm: Phố Nối A (600ha) và Yên Mỹ II (giai đoạn 1: 97,5ha) – Hưng Yên; Khu công nghiệp Hòa Mạc – Hà Nam (131ha).
Khu công nghiệp Hòa Mạc đã nâng tỷ lệ lấp đầy lên 75% diện tích, trong khi Khu công nghiệp Phố Nối A, Yên Mỹ II đạt 100% diện tích đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tính đến thời điểm cuối năm 2020.
Đối với mảng bất động sản khu đô thị, Hòa Phát đã đầu tư xây dựng các dự án như Khu phức hợp Mandarin Garden 1 (diện tích: 2,5ha) tại Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội; Khu phức hợp Mandarin Garden 2 (diện tích: 1,3ha) tại 493 Trương Định, Quận Hoàng Mai, Hà Nội và Khu Chung cư tại 70 Nguyễn Đức Cảnh.
Đặc biệt, Hoà Phát đang phát triển một dự án khu đô thị lớn khác là Khu đô thị Bắc Phố Nối, Hưng Yên, tại xã Phan Đình Phùng, xã Nhân Hòa, thị trấn Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên với diện tích 262 ha.
Rõ ràng Hoà Phát không phải là "tay mơ" trong lĩnh vực bất động sản. Tuy gia nhập muộn nhưng sẽ phát triển nhanh và cho ra sản phẩm chỉ 1-3 năm tới nhờ thế mạnh về tài chính và vật liệu xây dựng sẵn có.
Theo Bạch Huệ/ Nhịp sống kinh tế
Link nội dung: https://gocnhinbatdongsan.vn/tran-danh-lon-cua-hoa-phat-vao-linh-vuc-bat-dong-san-se-xay-nhung-dai-do-thi-300-500ha-a3542.html