Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển kinh tế, không ít chuyên gia, doanh nhân băn khoăn về khả năng hấp thụ của nền kinh tế khi các gói hỗ trợ, kích cầu tung ra - Ảnh: Quốc hội
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển kinh tế diễn ra ngày 5/12, xung quanh một số gợi ý chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được nêu ra, không ít chuyên gia, doanh nhân băn khoăn về khả năng hấp thụ của nền kinh tế khi các gói hỗ trợ, kích cầu tung ra.
LO TIỀN CHẢY VÀO CHỨNG KHOÁN, BẤT ĐỘNG SẢN
GS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, bên cạnh việc tăng cường nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế, cần đánh giá được sức hấp thụ của các chính sách hỗ trợ này ra sao, để đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát.
Theo ông Cường, hiện tại, tiêu chí để đánh giá, xác định hiệu quả của việc hấp thụ nguồn vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp đều rất chậm. Tốc độ chuyển vốn vào các hoạt động đầu tư phát triển, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, tốc độ tăng trưởng tín dụng đều chậm.
Trong đó, về đầu tư công, đến thời điểm này chỉ còn gần một tháng nữa là hết năm nhưng giải ngân vốn đầu tư công kể từ đầu năm đến nay chỉ hơn 70%, khó có khả năng về đích. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng hiện mới hơn 8%, thấp so với kỳ vọng.
"Điều này cho thấy khả năng hấp thụ, chuyển vốn vào sản xuất chậm", ông Cường nói.
GS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội - Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cũng đặt ra câu hỏi liệu với việc tung gói hỗ trợ thời gian tới, dòng tiền có đi vào sản xuất kinh doanh không hay lại đi đâu?
Trên cơ sở tỷ lệ vốn đầu tư so với tổng giá trị sản phẩm tạo ra, ông Cường phân tích, thông thường đầu tư vào 1 đồng thì giá trị tạo ra phải hơn 1 đồng. Thế nhưng một số nghiên cứu lại chỉ ra chúng ta đầu tư 100 đồng thì chỉ thu 79 đồng.
"Vậy tiền này không đi vào sản xuất mà thất thoát đi đâu?", ông Cường đặt câu hỏi và cho rằng có sự thất thoát ra bên ngoài đầu tư, đưa vào tiêu dùng, khiến giá tiêu dùng tăng lên.
Thứ nữa, theo chuyên gia này, nguy hiểm hơn là tiền chảy sang kênh đầu cơ, làm giá bất động sản tăng lên, giá chứng khoán tăng lên.
"Thông thường chỉ số chứng khoán tăng phải do sức khỏe nền kinh tế tăng nhưng giai đoạn vừa qua, tăng trưởng khó khăn nhưng giá cổ phiếu vẫn cứ tăng lên. Tăng nhưng không phải thực chất do lợi nhuận doanh nghiệp tăng", ông Cường lo ngại.
Theo ông Cường, hai dẫn chứng trên chứng tỏ sức hấp thụ nền kinh tế có vấn đề. Tuy nhiên, ông cho rằng, không phải vì như thế mà dừng lại, không tăng nguồn đầu tư, thực tế vẫn phải tăng nhưng cần giải quyết được các vấn đề này.
Ông nêu ra 3 giải pháp tập trung vào làm sao để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nhanh, đi vào công trình phục vụ phát triển; tăng khả năng tiếp cận nguồn tín dụng cho doanh nghiệp; và kiểm soát các dòng vốn để đi đúng vào nơi cần đầu tư.
Cụ thể, về vấn đề tăng tiếp cận vốn tín dụng, ông Cường cho biết không phải doanh nghiệp chỉ trông chờ giảm lãi suất mà chỉ cần tiếp cận được vốn. Theo đó, ngân hàng nên thay đổi các phương thức tiếp cận, đẩy mạnh theo hướng đồng hành cùng doanh nghiệp, bám sát theo các hợp đồng để đưa vốn vào sản xuất. Qua đó xem dòng tiền đi đâu, cho vay làm việc gì.
Theo đó, trong bối cảnh COVID-19, cần đẩy mạnh ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt để qua đó xem dòng tiền đi đâu, có thực sự đổ vào sản xuất và tiêu dùng hay không, có bị trục lợi hay không.
Về giải ngân vốn đầu tư công, ông Cường cho rằng cần đưa ra những giải pháp đặc biệt về giải ngân vốn đầu tư công, thậm chí đặt hàng đơn vị tư nhân giải ngân vốn đầu tư công làm sao đảm bảo tiến độ giải ngân nhanh và hiệu quả.
GIÁM SÁT THỰC THI CHÍNH SÁCH KÍCH CẦU TỪ XA, TỪ SỚM
Là một trong những người tham gia nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ phục hồi kinh tế có giá trị khoảng 666.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% tổng giá trị GDP nền kinh tế năm 2020, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho biết, vẫn còn có những ý kiến chưa thống nhất trong thiết kế các gói hỗ trợ, trong đó có ý kiến lo ngại về áp lực lạm phát.
Trong khi đó, có một số ý kiến khác lại mong muốn gói hỗ trợ kinh tế phải đủ lớn, mà như vậy thì nguy cơ lạm phát là không tránh khỏi.
Vì thế, ông cho rằng các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan tham mưu cần phối hợp chặt chẽ trong việc tính toán nhằm đảm bảo dòng tiền hỗ trợ thực sự được đưa vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và hộ gia đình thay vì chuyển qua kênh đầu cơ các tài sản tài chính rủi ro, vốn không đóng góp cho phục hồi tăng trưởng.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam
Đồng quan điểm, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam nhắc lại bài học gói kích cầu kinh tế trong hai năm 2018-2019 - lên tới 122.000 tỷ đồng.
Thời điểm đó, mặc dù gói kích cầu đã giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng nhưng cũng tạo ra những hệ lụy to lớn cho sự phát triển bền vững khi chính sách tuy đúng đắn nhưng việc thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu giám sát dẫn tới thất thoát, tiêu cực, thậm chí là tác dụng ngược và không đến đúng đối tượng.
Nguyên nhân chính được đúc kết là do thiếu cơ chế kiểm soát tốt trong quá trình triển khai chính sách, thiếu sự phối hợp, trao đổi giữa khu vực doanh nghiệp, các cơ quan, chủ thể trong thực thi chính sách kích cầu nên khi thực hiện quy mô lớn nhưng dòng tiền ít dành cho sản xuất mà lại vào chứng khoán, đầu cơ bất động sản. Hậu quả là lạm phát tăng cao gây bất ổn nền kinh tế vĩ mô, kìm hãm sự hồi phục kinh tế.
Do đó, ông Hồng Anh kiến nghị khi triển khai các gói hỗ trợ mới cần tập trung vào công tác giám sát thực thi chính sách, kích cầu kinh tế theo phương châm từ xa, từ sớm. Theo đó, việc giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện cần được diễn ra song song với quá trình triển khai chính sách.
Theo ông cách làm này đặc biệt phù hợp với chính sách kích cầu kinh tế bởi nó cho phép chính sách được cập nhật, điều chỉnh kịp thời khi gặp những vướng mắc, vấn đề phát sinh trong thực tiễn, tránh sự bất cập không được giải quyết trong quá trình triển khai khiến cho việc giải ngân liên tục bị gián đoạn và làm giảm hiệu quả của chính sách.
Ngoài ra, phương pháp tiếp cận từ xa, từ sớm cũng giúp nâng cao tính thực tiễn, tính đại diện của chính sách thông qua cơ chế tham vấn công tư và sự vào cuộc, giám sát, phối hợp thực hiện của chính các đối tượng thụ hưởng. Qua đó, đảm bảo hiệu quả cao nhất việc đưa chính sách vào đời sống của người dân.
Theo Hoàng Hà/Nhịp sống Doanh nghiệp
Link nội dung: https://gocnhinbatdongsan.vn/tung-goi-ho-tro-moi-chuyen-gia-de-chung-tien-chay-vao-chung-khoan-va-bat-dong-san-a3530.html