Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Bộ GTVT lý giải khó khăn khiến đại dự án chưa rõ ngày vận hành

Thủ tục bàn giao kéo dài, vướng mắc bởi COVID đã tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ dự án đường sắt dài hơi đến cả thập kỷ này

Hiện tại, Bộ GTVT cho biết từ kết quả nghiệm thu các công trình thành phần, nghiệm thu tổng thể Dự án, Bộ GTVT đã có báo cáo hoàn thành gửi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đề nghị tiến hành kiểm tra và có ý kiến chấp thuận về công tác nghiệm thu dự án. 

Theo Bộ, do dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp, bao gồm nhiều chuyên ngành, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam nên quá trình hoàn thiện thủ tục nghiệm thu bàn giao bị mất nhiều thời gian. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, sẽ tổ chức họp để ra thông báo kết quả kiểm tra cuối cùng trong tháng 10 này. Ngay khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng thì Bộ Giao thông vận tải sẽ tiến hành bàn giao dự án cho UBND Tp.Hà Nội tiếp nhận, vận hành khai thác theo quy định. 

Cơ quan này cùng chính quyền thành phố Hà Nội đã thống nhất chủ trương về kế hoạch bàn giao, tiếp nhận dự án, bao gồm: Hồ sơ tài liệu; mặt bằng, các mốc chỉ giới; tài sản hình thành sau đầu tư; khoản nợ theo cơ chế tài chính của dự án… 

Tổng thầu Trung Quốc cũng đang đang huy động nhân sự của nhà sản xuất sang Việt Nam để thực hiện công tác bàn giao, bảo hành dự án và đang thực hiện công tác bàn giao cho UBND Hà Nội để đưa vào vận hành khai thác. Do tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp nên gây ra khó khăn, kéo dài thời gian huy động nhân sự của Tổng thầu. Nhóm chuyên gia kỹ thuật sang Việt Nam sẽ phải thực hiện công tác cách ly y tế, do vậy cần thời gian tối thiểu khoảng 30 ngày thì các chuyên gia này mới có thể có mặt tại Việt Nam và bắt đầu thực hiện công tác vận hành dự án.

Về phía các doanh nghiệp, các đơn vị này đang triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện bộ máy, tuyển dụng và cử nhân lực đi đào tạo về quản lý vận hành; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách giá vé… để khai thác tối ưu loại hình giao thông công cộng mới này. 

Bối cảnh đường sắt đô thị tại Hà Nội đang chuẩn bị được đưa vào khai thác sử dụng, Chính phủ đã chỉ đạo UBND thành phố khẩn trương triển khai đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ vận hành, khai thác tuyến đường sắt đô thị.

Hà Nội đã tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông với số lượng 651 người, bao gồm 201 người đào tạo tại Trung Quốc và 450 người đào tạo tại Việt Nam, các nhân sự này đã được cấp chứng chỉ đào tạo theo quy định.

Đại dự án còn những khó khăn gì? 

Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cho biết hiện nay dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông vẫn còn một số vướng mắc, chủ yếu của là công tác thanh toán và việc thực hiện ý kiến Kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

"Các vướng mắc nêu trên đã ảnh hưởng đến tiến độ công tác nghiệm thu, bàn giao đưa Dự án vào vận hành khai thác", báo cáo nêu rõ. 

Vào thời điểm năm 2018, dự án được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư. Sau kiểm toán, Bộ GTVT đã rà soát và xử lý các nội dung liên quan đến công tác quản lý tài chính, kế toán; yêu cầu hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo quy định… Tuy nhiên đã xuất hiện những vướng mắc là bởi dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói (EPC), việc thực hiện một số nội dung theo Kết luận của Kiểm toán Nhà nước cũng không đơn giản xuất phát từ Tổng thầu EPC là nhà thầu nước ngoài (được chỉ định trong Hiệp định vay). 

EPC cho rằng họ không có nghĩa vụ  phải thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước, thiếu hợp tác và từ chối thực hiện, nhất là các nội dung liên quan đến chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước. 

Từ những vấn đề trên, Chính phủ cho biết Thủ tướng đã phải trao đổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ GTVT, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đã làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam, với Tham tán thương mại đại sứ quán Trung Quốc, định kỳ hàng tuần làm việc với Tổng thầu nhằm thúc đẩy tiến độ dự án. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung giải quyết dứt điểm. 

Dưới đây là một số hình ảnh về hiện trạng của đại dự án kéo dài 10 năm, nhưng vẫn chưa rõ ngày vận hành. Nguồn ảnh: Báo Lao động, Tiền Phong

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được khởi công ngày 10/10/2011 và dự tính sẽ vận hành thương mại vào năm 2015. Hình ảnh mặt trước ga Cát Linh
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được khởi công ngày 10/10/2011 và dự tính sẽ vận hành thương mại vào năm 2015. Hình ảnh mặt trước ga Cát Linh
Tại các ga của dự án, một số hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp trước thời gian dự kiến bàn giao. Trong ảnh, tấm kính bị vỡ nhiều tháng nay chưa được thay thế.
Tại các ga của dự án, một số hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp trước thời gian dự kiến bàn giao. Trong ảnh, tấm kính bị vỡ nhiều tháng nay chưa được thay thế.
"Hiếm" có dự án nào mà công trình chưa được đưa vào vận hành mà đã cũ dần theo thời gian, như đã sử dụng nhiều năm trời. 
"Hiếm" có dự án nào mà công trình chưa được đưa vào vận hành mà đã cũ dần theo thời gian, như đã sử dụng nhiều năm trời. 
Các khu vực gần dự án bị "trưng dụng" cho nhiều mục đích khác nhau. Từ bãi để xe ở ga Cát Linh... 
Các khu vực gần dự án bị "trưng dụng" cho nhiều mục đích khác nhau. Từ bãi để xe ở ga Cát Linh... 
...Đến nơi tập kết rác thải, đoạn  qua phố Hào Nam, hình ảnh được ghi nhận vào hồi tháng 4
...Đến nơi tập kết rác thải, đoạn  qua phố Hào Nam, hình ảnh được ghi nhận vào hồi tháng 4
Hình ảnh từ trên cao một đoạn đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Hình ảnh từ trên cao một đoạn đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Bộ GTVT cũng từng chỉ ra những vấn đề chung của việc phát triển đường sắt đô thị mà dự án Cát Linh - Hà Đông là một trong những minh chứng điển hình.

Nguồn lực ngày càng mai một,  tư duy chậm đổi mới, năng lực hạn chế đặc biệt về đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao. Bên cạnh đó, nguyên nhân các nghiên cứu ban đầu về dự án sơ sài, nhiều nội dung chưa được đề cập dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự chặt chẽ. Phía doanh nghiệp cũng ỷ lại, chậm đổi mới, thiếu linh hoạt trong đầu tư kinh doanh. 

Kế hoạch dài hơi của các cấp có thẩm quyền từ năm 2030 đến năm 2050 sẽ là đưa khai thác, hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và Tp.HCM nhằm hạn chế ùn tắc, ô nhiễm và hướng tới loại hình giao thông văn minh, hiện đại. 

Theo Hồng Sơn/ Doanh nhân Việt Nam

Link nội dung: https://gocnhinbatdongsan.vn/duong-sat-cat-linh-ha-dong-bo-gtvt-ly-giai-kho-khan-khien-dai-du-an-chua-ro-ngay-van-hanh-a3299.html