Những năm qua, do tốc độ phát triển du lịch, dịch vụ khiến giá đất trên địa bàn TP.Nha Trang tăng “phi mã”. Nhưng nghịch lý, cũng chính tại TP này có những lô đất được ví như “vàng”, “kim cương” lại bị bỏ hoang.
Khu đất tại dự án Nha Trang Sao nằm trực diện biển đang bị bỏ hoang. Hiền Lương |
Đất mặt biển thành “ao nuôi muỗi”
Dọc đường biển Trần Phú, Phạm Văn Đồng - 2 tuyến đẹp nhất TP.Nha Trang hiện không hiếm bắt gặp những lô đất rộng hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn mét vuông nhưng bỏ hoang hàng chục năm qua. Các lô đất này để cỏ cây dại mọc um tùm. Có khu đất 2 - 3 mặt tiền, để che khuất đi sự lãng phí, người ta dùng tôn quây lại. Qua thời gian, những vách ngăn đó ngày càng trở nên nhếch nhác, mất thẩm mỹ, nhất là đối với một TP có sức hút du lịch như Nha Trang.
Đối với các khu đất nội ô, nếu không bảo vệ kỹ sẽ bị biến thành bãi rác, hoặc mất an toàn mùa mưa. Ngoài các khu đất nói trên, sắp tới chúng tôi còn nhận thêm 5 khu đất ở 5 điểm đảo do một doanh nghiệp nhà nước trả lại vì không đầu tư, đây là thử thách không nhỏ về tài chính, quản lý, giám sát. Ông Nguyễn Tiến Lưu (Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa) |
Trong các khu đất được ví như “vàng”, “kim cương” hiện nay tại Nha Trang, đáng chú ý có khu đất đường biển số 48 - 48A Trần Phú rộng hơn 3.642 m2, nằm đối diện Quảng trường Hai Tháng Tư và cách tháp Trầm Hương - biểu tượng của TP.Nha Trang chỉ vài chục bước chân. Khu đất này có 2 mặt tiền đường Trần Phú - Nguyễn Thị Minh Khai và nằm trực diện biển. Theo một chuyên gia môi giới bất động sản, đây là khu đất có vị trí đẹp và đắt nhất, nhì TP.Nha Trang hiện nay. Người này nhẩm tính, giá đất tại đây không dưới 500 triệu đồng/m2. Nhưng bao năm qua, khu đất được rào kín tôn xung quanh, bên trong cỏ mọc um tùm. Vào mùa mưa, giữa khu đất bị trũng, vô tình trở thành một cái ao… nuôi muỗi.
Cách đó không xa về phía bắc, khu đất của đại dự án lấn biển - Công viên vui chơi giải trí Nha Trang Sao nằm ngay mặt tiền đường biển Phạm Văn Đồng, diện tích hơn 10 ha. Sau nhiều năm triển khai dở dang, đến nay khu đất này bị UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa quản lý. Nơi đây hiện là bãi đất trống, nhiều người lén lút đổ xà bần, rác thải khiến ai đi qua đều cảm thấy “ngứa” mắt.
Ngay cả trụ sở Đài PT-TH tỉnh Khánh Hòa rộng hơn 8.000 m2 (mặt tiền Trần Phú) cũng đang bỏ trống sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa ký hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) xây dựng trụ sở mới cho đài ở P.Phước Long đã hoàn thành sử dụng. Riêng khu đất của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, và nhiều trụ sở làm việc của một số cơ quan đã di dời như Kho bạc Nhà nước, Cục thuế cũng bỏ hoang tương tự, gây lãng phí.
Khu đất tại dự án Nha Trang Sao nằm trực diện biển đang bị bỏ hoang Hiền Lương |
Rối rắm tìm cách xử lý
Trong các khu đất “vàng” bỏ hoang nói trên, khu đất 48 - 48A Trần Phú có nhiều “uẩn khúc” nhất.
Từ năm 2003, UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty xây dựng trang trí kiến trúc ADC thi công dự án khách sạn mà không qua đấu thầu, và sau đó ít lâu buộc phải thanh lý vì nhà thầu không đủ năng lực tài chính thực hiện. Sau khi được đấu giá công khai, đến năm 2008, Công ty in - thương mại - dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn là đơn vị trúng đấu giá với gần 221,7 tỉ đồng để đầu tư dự án khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Nha Trang Grand Hotel & Residence.
Nhà đầu tư đã nộp vào ngân sách 236,619 tỉ đồng. Sau đó, nhà đầu tư này lại bị điều tra về việc cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng tại một vụ việc có liên quan, nên Bộ Công an thực hiện lệnh kê biên lô đất này. Và từ đó đến nay, khu đất ngàn tỉ bỏ hoang.
Theo Sở KH-ĐT Khánh Hòa, tháng 11.2015, UBND tỉnh này đã ban hành quyết định thu hồi khu đất 48 - 48A Trần Phú, vì nhà đầu tư vi phạm các quy định của luật Đầu tư. Năm 2016, UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý dự án (QLDA) phát triển Khánh Hòa làm bên mời thầu để lựa chọn nhà đầu tư mới.
Theo Ban QLDA phát triển Khánh Hòa, từ tháng 10.2016, kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng khu đất 48 - 48A Trần Phú được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt, với mục tiêu xây dựng công trình khách sạn, thương mại, dịch vụ du lịch có tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên, chiều cao công trình tối đa 40 tầng, mật độ xây dựng 60%. Tổng chi phí thực hiện dự án là 1.500 tỉ đồng. Sau khi có chủ trương này, Ban QLDA phát triển Khánh Hòa đã thông báo mời thầu, tuy nhiên bên mời thầu phải gia hạn đóng thầu nhiều lần, đến tháng 1.2018 mới đóng thầu.
Trả lời chúng tôi, ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Ban QLDA phát triển Khánh Hòa, cho biết để thực hiện dự án này, nhà đầu tư mới phải trả cho nhà đầu tư cũ (Công ty in - thương mại - dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn) số tiền đã nộp trước đây là 236,619 tỉ đồng. Ngoài số tiền này, nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án tự nguyện hỗ trợ một phần kinh phí cho nhà đầu tư cũ, và nộp một khoản tiền vào ngân sách theo quy định được thể hiện trong hồ sơ đề xuất tài chính. Đây là những điều kiện khiến việc đấu thầu rất khó khăn, các nhà đầu tư mới phải chờ các thủ tục giải quyết với nhà đầu tư cũ.
Một đại diện Sở KH-ĐT Khánh Hòa xác nhận từ tháng 1.2018 gói thầu lô đất 48 - 48A Trần Phú đã được đóng thầu với 3 hồ sơ được chọn. Qua thẩm định của các sở ngành, 3 hồ sơ đấu thầu đều không đạt tiêu chí hồ sơ mời thầu. Do đó, từ tháng 6.2018, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định hủy kết quả đấu thầu do Ban QLDA phát triển Khánh Hòa chủ trì. Nhưng hiện nay vụ việc đã được giao cho các sở ngành tiếp tục nghiên cứu các văn bản pháp lý để tìm giải pháp gỡ vướng.
Đất bỏ hoang còn tốn tiền tỉ bảo vệ
Ngoài các lô đất “vàng” dọc đường biển Trần Phú, Phạm Văn Đồng, hiện TP.Nha Trang còn hàng loạt khu đất có diện tích lớn và vị trí đắc địa do nhà nước quản lý, như khu đất kho cảng Bình Tân rộng khoảng 6,1 ha, nằm ở vị trí 4 mặt tiền đường Phước Long, Nguyễn Lộ Trạch, Hoàng Sa, Trường Sa. Bên cạnh đó là khu đất ngã tư Tô Hiệu - Trường Sơn (rộng 4.263 m2), khu đất số 10 Trường Sơn (3.913 m2), khu đất số 09 Trường Sơn (4.708 m2) thuộc P.Vĩnh Nguyên.
Đa số các khu đất này đều có diện tích lớn, tiềm năng nhưng chưa được đầu tư. Không chỉ có đất bỏ hoang gây lãng phí, mà các khu đất này còn có nguy cơ ngốn ngân sách hàng tỉ đồng mỗi năm để thuê bảo vệ.
Theo Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa, hiện đơn vị đang quản lý khoảng 30 khu đất, chủ yếu ở TP.Nha Trang. Từ năm 2017 trở về trước, trung tâm đã khai thác cho thuê một số khu đất nói trên. Số tiền cho thuê được mỗi tháng đủ để cho trung tâm hoạt động bảo vệ các khu đất được an toàn, giảm bớt gánh nặng ngân sách cho tỉnh.
Tuy nhiên, cách đây hơn 1 năm, việc thanh tra, kiểm toán yêu cầu trung tâm phải xây dựng kế hoạch khai thác được UBND tỉnh duyệt, nên đã dừng việc cho thuê. Nếu không tiếp tục cho thuê mặt bằng nhàn rỗi, mỗi năm ngân sách bỏ ra không dưới 2 tỉ đồng thuê nhân công bảo vệ.
Theo Đinh Vũ/ Thanh Niên
Link nội dung: https://gocnhinbatdongsan.vn/dat-vang-nha-trang-bao-gio-het-bo-hoang-a3246.html