"Hầu hết mọi người không cho rằng Evergrande sẽ sụp đổ đột ngột. Tuy nhiên, sự im lặng và thiếu hành động mạnh mẽ của các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh khiến tất cả hoảng loạn", Bloomberg dẫn lời ông Ding Shuang - nhà kinh tế trưởng tại Standard Chartered Plc ở Hong Kong - bình luận.
"Tôi hy vọng chính quyền Trung Quốc sẽ sớm đưa ra ít nhất một vài tuyên bố để trấn an tâm lý nhà đầu tư và thị trường", ông nói thêm.
Hôm 20/9, chỉ số Hang Seng của Hong Kong lao dốc hơn 3%. Dẫn đầu đà giảm là cổ phiếu các công ty bất động sản. Những chỉ số về vốn của Đức và Italy cũng giảm hơn 2%. Chỉ số S&P 500 sụt 1,7%, mức giảm mạnh nhất trong vòng 4 tháng.
Khủng hoảng nợ của Evergrande diễn ra khi Trung Quốc đối mặt với tình trạng giảm tốc kinh tế, chính quyền nước này mở chiến dịch siết chặt kiểm soát khu vực tư nhân và căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ - Trung leo thang. Ảnh: Reuters. |
Bắc Kinh không phản ứng
Giá trung bình của các trái phiếu USD rủi ro cao của Trung Quốc ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong vòng một năm. Giá quặng sắt kỳ hạn giảm gần 12% trong ngày, khiến vấn đề càng trở nên tệ hại.
Trong khi đó, các nhà chức trách Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất cứ tuyên bố nào đảm bảo rằng nhà nước sẽ đưa ra kế hoạch để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande. Hầu hết bài bình luận trên những phương tiện truyền thông của đất nước đều né tránh chủ đề này.
Đến nay, các phản ứng chỉ đến từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC). Vào ngày 17/9, cơ quan này đã bơm 90 tỷ NDT vào hệ thống ngân hàng và bổ sung thêm 100 tỷ NDT hôm 18/9.
Tổng nợ phải trả của China Evergrande - tập đoàn bất động sản vay nợ nhiều nhất thế giới - lên đến 300 tỷ USD. Công ty chiếm khoảng 16% số trái phiếu đang lưu hành trên thị trường trái phiếu USD lãi suất cao của Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình của những người mua nhà và nhà đầu tư Evergrande nổ ra tại nhiều thành phố khác nhau của Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Khoản lãi 83,5 triệu USD của một trái phiếu USD có thời hạn 5 năm sẽ đến hạn hôm 23/9. Cùng ngày, Evergrande cũng cần trả lãi 232 triệu NDT (36 triệu USD) cho một loại trái phiếu coupon trong nước.
Hôm 20/9, giá cổ phiếu của Evergrande có thời điểm lao dốc 19%, đẩy giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn xuống mức thấp kỷ lục. Cuối phiên giao dịch, giá ghi nhận mức giảm 10%.
"Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc không nao núng trong việc hạ đòn bẩy của thị trường bất động sản. Những thông tin mới nhất liên quan đến Evergrande cho thấy hoạt động của thị trường nhà ở sẽ xấu đi hơn nữa nếu chính phủ không đưa ra một lộ trình rõ ràng, hướng tới giải pháp cuối cùng", các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs, đứng đầu là ông Hui Shan, nhận định.
Sẵn sàng chấp nhận tổn thất?
Theo tính toán của Goldman Sachs, với hơn 200 công ty con ở nước ngoài và gần 2.000 công ty trong nước, Evergrande sở hữu tài sản khoảng 2.000 tỷ NDT, tương đương 2% GDP của Trung Quốc.
Hiệu ứng lan tỏa từ khủng hoảng nợ của tập đoàn có thể gây tổn thương cho thị trường nhà ở Trung Quốc vốn đang giảm tốc. Theo dữ liệu chính thức, trong tháng 8, doanh số bán nhà tính theo giá trị đã giảm 20% so với một năm trước đó, mức giảm lớn nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Giới chức trách Trung Quốc quyết tâm theo đuổi chiến dịch giảm đòn bẩy và hạ nhiệt trên thị trường bất động sản. Năm ngoái, ông Quách Thụ Thanh - Chủ tịch Ủy ban Điều hành Ngân hàng Trung Quốc (CSRC) - khẳng định rằng việc các nhà băng tiếp xúc quá nhiều với thị trường bất động sản là rủi ro lớn nhất mà hệ thống tài chính đang phải đối mặt.
Các cơ quan quản lý đang tăng cường nỗ lực để điều chỉnh giá nhà đất đã thúc đẩy ngành bất động sản của Trung Quốc và phần lớn tăng trưởng kinh tế của nước này.
Việc theo đuổi các chính sách cứng nhắc khi những khó khăn của Evergrande vẫn tồn tại sẽ khiến tình hình càng trở nên tệ hại, vượt mức chính phủ có thể chấp nhận
Nhóm phân tích của Citigroup
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc thắt chặt việc phê duyệt thế chấp, tăng lãi suất cho những người mua nhà lần đầu, áp dụng các biện pháp kiểm soát cho thuê ở thành phố và dừng một số hoạt động đấu giá đất tập trung.
Các ngân hàng Trung Quốc được cho là đang hạn chế cho vay đối với người mua nhà. Năm ngoái, chính phủ đã đưa ra quy tắc "ba lằn ranh đỏ", buộc những nhà phát triển phải đáp ứng nếu muốn vay thêm tiền.
"Trung Quốc sẽ làm những gì cần thiết để giảm bớt tác động", ông Peter Garnry, Trưởng bộ phận Chiến lược cổ phần tại Saxo Bank, bình luận.
Với các cuộc trấn áp mạnh tay lên lĩnh vực công nghệ, giáo dục trực tuyến hay những sòng bạc ở Ma Cao, chính quyền Bắc Kinh đã cho thấy rằng họ sẵn sàng chấp nhận tổn thất nặng nề trên thị trường. Các quan chức đang tìm cách đạt mục tiêu "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Một phần nguyên nhân của đợt bán tháo hôm 20/9 là những suy đoán rằng Trung Quốc sẽ tăng cường kiểm soát bất động sản tại Hong Kong, một trong những nơi có giá nhà đắt đỏ nhất thế giới.
"Việc theo đuổi các chính sách cứng nhắc khi những khó khăn của Evergrande vẫn tồn tại sẽ khiến tình hình càng trở nên tệ hại, vượt mức chính phủ có thể chấp nhận", các nhà phân tích của Citigroup, đứng đầu là chuyên gia Dirk Willer, cảnh báo.
Theo Zingnews
Link nội dung: https://gocnhinbatdongsan.vn/zing-newstri-thuc-truc-tuyen-a3172.html