Đất xen kẹt là gì? Có được cấp Sổ đỏ và xây nhà không?

Đất xen kẹt là loại đất xen lẫn giữa khu dân cư, đây là loại đất có giá khá rẻ nên nhiều người muốn mua loại đất này. Để có quyết định sáng suốt người dân cần biết một số quy định dưới đây.

Đất xen kẹt là gì?

Theo Điều 10 Luật Đất đai 2013, căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại thành 03 nhóm: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Mỗi nhóm đất có từng loại đất cụ thể nhưng không có loại đất nào có tên gọi là đất xen kẹt.

Mặc dù pháp luật không quy định nhưng trên thực tế thuật ngữ “đất xen kẹt” được sử dụng khá phổ biến tại khu vực đô thị, nhất là những thành phố lớn.

Thông qua thực tiễn thì đất xen kẹt chủ yếu được hiểu là đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư (xen lẫn với đất ở) hoặc diện tích đất còn dư sau quy hoạch.

Đặc điểm của loại đất này là nằm giữa khu dân cư nên thửa đất thường có diện tích không lớn. Đất xen kẹt trên thực tế chủ yếu là đất vườn, đất trồng cây hàng năm khác, đất ao hoặc các loại đất nông nghiệp khác mà hiện nay không còn sử dụng vào mục đích nông nghiệp.

Tóm lại, đất xen kẹt là cách gọi phổ biến của người dân, có vị trí xen lẫn giữa các thửa đất ở trong khu dân cư tại khu vực đô thị và thông thường thuộc nhóm đất nông nghiệp.

 

đất xen kẹtMột số điều cần biết về đất xen kẹt (Ảnh minh họa)
 

Điều kiện, hồ sơ cấp Sổ đỏ cho đất xen kẹt

* Điều kiện cấp Giấy chứng nhận lần đầu

Căn cứ Điều 100, 101 Luật Đất đai 2013 và Điều 20, 21, 22, 23, 24 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, tùy thuộc vào từng thửa đất cụ thể mà cần đáp ứng các điều kiện khác nhau để được cấp Giấy chứng nhận. Mặc dù vậy, điều kiện cấp Giấy chứng nhận vẫn được chia thành 02 nhóm như sau:

Nhóm 1: Đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất

Nhóm 2: Đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất (chủ yếu rơi vào nhóm này).

* Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy chứng nhận

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, gồm:

- Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 04a/ĐK. 

- Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).

- Một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (nếu có).

Ngoài ra, trên thực tế trong một số trường hợp cần giấy xác nhận của UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) nơi có đất về việc thửa đất phù hợp quy hoạch, sử dụng ổn định, không có tranh chấp.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có đất nếu có nhu cầu.

Cách 2: Không nộp tại UBND cấp xã

- Đối với địa phương đã thành lập bộ phận một cửa thì hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương).

- Địa phương chưa thành lập bộ phận một cửa thì nộp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện đối với nơi chưa thành lập Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết

Giai đoạn này, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các công việc theo nhiệm vụ để đăng ký, cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.

Đối với người sử dụng đất chỉ cần nhớ nghĩa vụ của mình đó là thực hiện nghĩa vụ tài chính (tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp Giấy chứng nhận…). Khi nhận được thông báo nộp tiền thì nộp theo đúng số tiền, thời hạn như thông báo và lưu giữ biên lai, chứng từ để xuất trình khi nhận Giấy chứng nhận.

Bước 4: Trao kết quả

* Thời gian giải quyết: Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 40 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thời gian này không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Có được xây nhà trên đất xen kẹt không?

Khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai 2013 quy định về nguyên tắc sử dụng đất như sau:

“1. Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.”

Như vậy, nếu đất xen kẹt không phải là đất ở thì không được phép xây dựng nhà ở. Khi không phải là đất ở nhưng muốn xây dựng nhà ở thì trước tiên phải xin chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở.

Sau khi có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở thì hộ gia đình, cá nhân phải xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ (nếu đất xen kẹt thuộc khu vực đô thị).

Kết luận: Đất xen kẹt vẫn được cấp Sổ đỏ nếu đủ điều kiện cấp theo quy định; chỉ được phép xây dựng nhà ở nếu là đất ở và phải có giấy phép xây dựng trước khi khởi công (đối với thửa đất thuộc khu vực đô thị).

Đất xen kẹt có giá tương đối thấp so với các thửa đất ở bên cạnh nhưng người dân nếu có ý định nhận chuyển nhượng loại đất này cần hết sức lưu ý vì hiện nay pháp luật chỉ cho phép chuyển nhượng khi có Giấy chứng nhận; trường hợp thửa đất xen kẹt là đất nông nghiệp để được xây dựng nhà ở phải mất 02 lần tiền:

Một là, khi cấp Giấy chứng nhận (làm Sổ đỏ, Sổ hồng).

Hai là, khi xin chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo Luật Việt Nam

Link nội dung: https://gocnhinbatdongsan.vn/dat-xen-ket-la-gi-co-duoc-cap-so-do-va-xay-nha-khong-a3161.html