Giảm chi phí để ổn định lãi vay

25/09/2022 12:20

Việc tăng lãi suất điều hành là phù hợp với thị trường trong nước và quốc tế, hạn chế áp lực lên tiền đồng Việt Nam

Ngày 23-9, một loạt lãi suất điều hành chính thức tăng thêm từ 0,5 - 1 điểm % theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nhiều chuyên gia đánh giá bước đi của NHNN là cần thiết, chủ động và phù hợp trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % và một loạt quốc gia khác cũng tăng lãi suất đồng nội tệ nước mình.

Bước đi chủ động, phù hợp

Ở trong nước, đây là lần điều chỉnh lãi suất điều hành đầu tiên của NHNN trong 2 năm trở lại đây. Trước đó vào năm 2020, trong bối cảnh lãi suất huy động trên thị trường của các ngân hàng giảm mạnh và dịch COVID-19 bùng phát, NHNN đã có tới 3 lần giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Tại buổi họp báo về kết quả hoạt động NH quý III/2022 diễn ra tại Hà Nội ngày 23-9, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới biến động mạnh, mục tiêu quan trọng là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm giá trị tiền đồng. Do đó, việc điều chỉnh lãi suất điều hành là theo hướng phù hợp với thị trường trong và ngoài nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, nhận định trong điều kiện nhiều đồng tiền mạnh của một số nền kinh tế lớn mất giá so với đồng USD, diễn biến này cũng tác động và gây áp lực lớn với tỉ giá trong nước. Với yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giảm bớt áp lực lên tỉ giá, kìm giữ lạm phát, việc điều chỉnh tăng lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng và không kỳ hạn là rất cần thiết. "Việc tăng lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng còn giúp tổ chức tín dụng tiếp tục thu hút nguồn tiền gửi, đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế" - ông Lệnh nói.

Giảm chi phí để ổn định lãi vay - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành là để hạn chế áp lực lên VNĐ và bảo đảm mục tiêu quan trọng là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: TẤN THẠNH

Các chuyên gia và cả giới đầu tư cũng bày tỏ đồng tình với bước đi mới của nhà điều hành. Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI), không tỏ ra ngạc nhiên khi FED đã điều chỉnh tăng lãi suất tới 5 lần mà Việt Nam chỉ tăng lần đầu kể từ năm 2020 đến nay. Nguyên nhân là vì Việt Nam có dư địa vĩ mô tốt để kiểm soát lạm phát ở mức thấp, trong khi lạm phát ở Mỹ lên mức cao vài chục năm. 

"Phải thấy rằng áp lực tăng lãi suất để kìm lạm phát của FED đã làm cho đồng USD tăng giá rất nhiều, nếu Việt Nam không hành động thì có thể bị muộn nên thời điểm này tăng lãi suất là hợp lý. FED không chỉ tăng 0,75% trong tháng 9 mà còn có thể tăng tiếp hơn 1% cuối năm. Đồng USD tăng lên là rõ, nên đây là thời điểm phù hợp NHNN sử dụng công cụ lãi suất để điều hành vĩ mô trong thời gian tới" - ông Ngọc nói.

Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect cũng đánh giá động thái trên của NHNN là "tương đối quyết liệt và kịp thời" trước những thay đổi nhanh chóng trên thị trường tài chính quốc tế. Sau đợt tăng lãi suất lần này, ít khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất điều hành nữa trong năm nay.

NH thương mại gặp áp lực chi phí

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam phân tích việc NHNN tăng lãi suất điều hành lần đầu tiên kể từ năm 2020 sau động thái tăng lãi suất của FED sẽ giúp hạn chế áp lực lên VNĐ. Dù vậy, việc tăng lãi suất điều hành sẽ gây áp lực lên chi phí huy động vốn của các NH thương mại. Cụ thể, lãi suất điều hành tăng, lãi suất huy động cũng đi lên nhưng NHNN và Chính phủ lại yêu cầu cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Yêu cầu này sẽ khiến biên lãi ròng (NIM) toàn ngành thu hẹp trong thời gian tới, dù tác động sẽ không giống nhau ở từng NH vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Ông Đỗ Bảo Ngọc nêu thực tế là thời gian qua, lãi suất huy động của các NH thương mại thấp và phụ thuộc vào lãi suất điều hành. Nhưng lãi suất cho vay hoàn toàn do các NH quyết định. Điều này lý giải vì sao nhiều khi lãi suất huy động thấp nhưng lãi suất cho vay vẫn cao, không như mong đợi của thị trường và cơ quan quản lý. Do đó, ông Bảo đánh giá với mặt bằng lãi suất hiện tại, việc tăng thêm 0,5 hay 1% đều không khó khăn gì với hệ thống NH.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết sẽ kêu gọi các NH thương mại cắt giảm chi phí, ứng dụng công nghệ hiện đại, tăng hiệu quả quản trị cắt giảm chi phí nhằm giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, thậm chí nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Số liệu cập nhật của NHNN cho thấy tính đến ngày 16-9, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt tới 10,47% so với cuối năm ngoái. Đây là mức tăng rất cao trong nhiều năm qua, phản ánh nhu cầu vốn của thị trường là rất lớn trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Tín dụng tập trung vào sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, nhờ đó góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô.

Dù nhu cầu vốn của nền kinh tế rất cao nhưng ông Đào Minh Tú cho hay NHNN vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 14%. Hiện tại, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là phù hợp, bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống NH, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô. 

Lãi suất huy động rục rịch tăng

Trong ngày 23-9, nhiều NH thương mại đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng nhích lên, sau khi NHNN chính thức tăng trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng bằng VNĐ từ mức 0,2%/năm lên 0,5%/năm; trần lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4%/năm lên 5%/năm...

Theo đó, các NH như HDBank, OCB, VIB, SHB, SCB, VPBank, ACB, Eximbank... tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng. Một vài NH áp dụng mức lãi suất tối đa 5%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm dưới 6 tháng. Phần lớn các NH còn lại vẫn đang áp dụng biểu lãi suất cũ trước ngày 23-9. Khối các NH thương mại nhà nước như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank cũng chưa điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

Bạn đang đọc bài viết "Giảm chi phí để ổn định lãi vay" tại chuyên mục TÀI CHÍNH.