Giá USD tăng cao, nhiều ngân hàng lãi đậm từ ngoại hối

14/02/2023 16:06

Quý IV/2022, nhiều ngân hàng ghi nhận lãi đậm từ kinh doanh ngoại hối, có đơn vị còn tăng đến gấp gần 2,5 lần cùng kỳ, song, một số nơi lại thua lỗ nặng.

Trong quý IV/2022, tỉ giá USD/VND tăng cao trong khoảng thời gian Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tiếp nâng lãi suất cơ bản, Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỉ giá giao ngay từ mức +-3% lên +-5%, điều này ảnh hưởng mạnh đến mảng kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng.

Thống kê từ Báo cáo tài chính quý IV của 27 ngân hàng thương mại, nhiều đơn vị ghi nhận lãi đậm từ kinh doanh ngoại hối nhưng cũng nhiều nơi lại báo lỗ nặng.

Loạt ngân hàng lãi đậm 

Theo đó, Vietcombank tiếp tục là quán quân về lãi từ mảng kinh doanh ngoại hối trong quý IV với 1.188 tỷ đồng, nhưng chỉ có mức tăng nhẹ 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, 2 “ông lớn” khác là Vietinbank và BIDV lại ghi nhận mức tăng vọt. Theo đó, VietinBank tăng gấp gần 2,5 lần cùng kỳ; BIDV tăng đến 72,5%, đều mang về hơn 1.100 tỷ đồng lãi từ kinh doanh ngoại hối.

VietinBank cho biết lãi thuần mảng này tăng mạnh 146% trong quý IV và tăng gần 97% trong cả năm so với cùng kỳ năm trước là do ngân hàng đã khai thác hiệu quả lợi thế của một ngân hàng lớn, sở hữu data khách hàng hiện hữu dồi dào và đa dạng để chào bán đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng.

Ngân hàng cũng đã đa dạng hoá danh mục sản phẩm dịch vụ, triển khai bán hàng tổng lực đến tất cả chi nhánh, cải tiến dịch vụ,...

Ngoài các ngân hàng quốc doanh, ACB là đơn vị có doanh số giao dịch ngoại hối lớn nhất trong số nhóm ngân hàng tư nhân. Trong quý IV vừa qua, ACB thu về 504 tỷ đồng từ mảng kinh doanh này, tăng mạnh đến 112% so với cùng kỳ năm trước.

Một ngân hàng khác cũng ghi nhận lãi lớn từ mảng này là Sacombank với doanh số lên đến 303 tỷ đồng, tăng gần 43% so với năm trước đồng thời là một trong những ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất.

Ngoài ra, Eximbank, MSB, MB, NCB cũng là những nhà băng ghi nhận lãi cao ở mảng kinh doanh ngoại hối. Tuy nhiên, trong quý IV này, dù là một trong những ngân hàng tư nhân có lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cao nhất, với 363 tỷ đồng lãi thuần nhưng doanh số của MB giảm gần 13% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, NCB là nhà băng chuyển mình nhanh chóng khi chuyển từ lỗ hơn 21 tỷ đồng vào từ kinh doanh ngoại hối vào quý IV/2021 thành lãi gần 76 tỷ đồng trong quý IV vừa qua.

Một số ngân hàng cũng ghi nhận tăng trưởng dương từ mảng này là Bac A Bank lãi 56 tỷ đồng, NamABank lãi 32 tỷ đồng, SHB lãi 20 tỷ đồng, PGBank với 16 tỷ đồng.

Kết quả trái ngược ở một số ngân hàng

Ở chiều ngược lại, loạt ngân hàng chịu lỗ nhiều nhất ở mảng kinh doanh này phải kể ABBank, VPBank, Techcombank, HDBank, VIB,...

Theo đó, ABBank là đơn vị báo lỗ cao nhất với 447 tỷ đồng trong quý IV/2022 dù những tháng đầu năm đều ghi nhận lãi lớn đến 1.000 tỷ đồng.

Một ngân hàng tư nhân lớn là Techcombank cũng báo lỗ hơn 300 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lỗ gần 28 tỷ đồng. Đặc biệt, đây là mức lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối trong kỳ tài chính lớn nhất của Techcombank trong 1 thập kỷ qua. Năm 2022, Techcombank thua lỗ ở mảng này vì khoản chi cho các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ tăng mạnh hơn 3.819 tỷ đồng trong khi lợi nhuận thu về tăng chậm hơn.

Cùng với Techcombank, VPBank kinh doanh ngoại hối cũng kém khả quan khi lỗ 340 tỷ đồng quý vừa qua, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lỗ hơn 30 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm 2022, nhà băng này lỗ 618 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần so với năm 2021.

Ngoài ra, sau 12 kỳ tài chính ghi nhận lãi liên tiếp, HDBank lại báo lỗ 66 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối trong quý IV/2022, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi 91 tỷ đồng.

Các ngân hàng còn lại cũng ghi nhận mức lỗ trong quý vừa rồi là VietABank lỗ 199 tỷ đồng, VIB lỗ 52 tỷ đồng, VietCapitalBank lỗ 23 tỷ đồng, LienVietPostBank lỗ 15 tỷ đồng, KienlongBank lỗ 13 tỷ đồng, VietBank lỗ 7 tỷ đồng.