Dư nợ tín dụng bất động sản đạt gần 800.000 tỷ đồng

06/02/2023 00:14

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 31/12/2022 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản là gần 800.000 tỷ đồng và con số này vẫn tiếp tục tăng lên.

Cụ thể, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 180.743 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 22,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 41.815 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,3%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 40.149 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,1%.

Dư nợ tín dụng bất động sản đạt gần 800.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí Thương gia

Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 32.660 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,1%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 57.539 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,24%.

Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 144.157 tỷ đồng, chiếm 18,16%. Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 85.199 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,7%.

Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 211.452 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,6% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Qua số liệu trên cho thấy dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn theo chiều hướng tăng. Tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng bất động sản ước tăng khoảng 11,4% so với cuối năm 2021 (xấp xỉ 700.000 tỷ đồng).

Về định hướng điều hành năm 2023, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh, việc đảm bảo kiểm soát lạm phát tạo điều kiện khôi phục nền kinh tế. Đồng thời giúp doanh nghiệp, người dân có điều kiện tốt nhất trong việc tiếp cận nguồn vốn cũng như lãi suất. Cùng với đó là đảm bảo tỷ giá sao cho có lợi nhất…. Nhưng phải đảm bảo năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại.

Riêng với điều hành tín dụng, Phó Thống đốc khẳng định sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro trong một số lĩnh vực, đặc biệt là kinh doanh bất động sản có giá trị lớn, phân khúc nghỉ dưỡng, có tính chất đầu cơ…

Ông Đào Minh Tú cho biết, dự kiến thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức về diễn đàn tín dụng cho thị trường bất động sản. Tại đây sẽ tìm giải pháp để phát triển thị trường phát triển lành mạnh, ổn định. Không để "bong bong" những cũng không để "đóng băng" thị trường bất động sản.