Cổ phiếu vốn hoá lớn bị bán mạnh cuối phiên, VN-Index chông chênh mức 1.200 điểm

02/08/2022 04:04

Chứng khoán tăng tích cực suốt cả phiên sáng 29/7 và duy trì giao dịch ổn định trong phiên chiều. Song, kết phiên VN-Index bất ngờ bị kéo xuống dưới tham chiếu.

Sau phiên chứng khoán tăng điểm ngày 28/7, các chỉ số lại tiếp tục tăng điểm ngay từ đầu phiên 29/7 trước sự nâng đỡ của hàng loạt cổ phiếu lớn. Nhiều cổ phiếu lớn như HPG, VHM, HVN, SAB… đồng loạt vượt tham chiếu và đóng góp tích cực vào đà tăng chung.

Chiều ngược lại, một số cổ phiếu lớn khác như MSN, PLX, VJC, MWG... giảm giá và gây áp lực đáng kể lên thị trường chung. Dù vậy, động rộng thị trường vẫn nghiêng về bên mua khiến VN-Index duy trì chỉ số ở trên tham chiếu.

Đà tăng của các chỉ số được củng cố khi nhiều nhóm ngành cổ phiếu ghi nhận sự tích cực, trong đó, nhóm chứng khoán đua nhau tăng giá. Một số mã tiêu biểu có thể kể đến như VCI, HCM, SSI... Bên cạnh đó, các mã trụ cột như BID, BVH, GAS, BCM, VHM... cũng đồng loạt tăng giá tốt, khiến tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 5,94 điểm lên 1.214,06 điểm. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng về một phiên tăng điểm tốt của thị trường.

Thị trường tiếp tục diễn biến tích cực trong phiên giao dịch chiều ngày 29/7. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư trên các hội nhóm chứng khoán, đà bán mạnh bất ngờ diễn ra cuối phiên khiến nhiều cổ phiếu lớn giảm giá, trong đó có nhiều mã thuộc nhóm VN30 như VIC, MSN, TPB, MWG… Hôm nay cũng là ngày cuối cùng các quỹ ETF mô phỏng theo chỉ số VN30, VNFIN Lead... thực hiện giao dịch để cơ cấu lại danh mục quý II/2022 nên biến động trên thị trường thường xáo trộn mạnh trong phiên ATC.

Tài chính - Ngân hàng - Cổ phiếu vốn hoá lớn bị bán mạnh cuối phiên, VN-Index chông chênh mức 1.200 điểm

Những cổ phiếu tác động mạnh nhất tới phiên giao dịch ngày 28/7. (Ảnh: FireAnt)

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đảo chiều giảm 1,79 điểm, dừng tại mức thấp nhất ngày, tương ứng mức giảm 0,15% xuống 1.206,33 điểm. Toàn sàn có 189 mã tăng, 239 mã giảm và 87 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,23 điểm, tương ứng 0,42% xuống 288,61 điểm. Toàn sàn có 73 mã tăng, 108 mã giảm và 71 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,11 điểm, tương ứng 0,12% lên 89,61 điểm.

VIC là mã tác động xấu nhất tới chỉ số chung khi giảm 4,48% với gần 2 triệu cổ phiếu được sang tay. Đà giảm mạnh của VIC xảy ra trùng thời điểm Vingroup mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với kết quả kinh doanh sụt giảm. Theo đó, ​​Vingroup ghi nhận tổng cộng 32.083 tỷ đồng doanh thu và 3.334 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm lần lượt 47% và 48% so với cùng kỳ. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc hoạt động kinh doanh bất động sản chưa đến thời điểm bàn giao nhà nên tập đoàn chưa được ghi nhận các khoản tiền trả trước của khách hàng vào doanh thu.

Nhiều mã thuộc nhóm VN30 cũng nằm trong nhóm tác động xấu tới thị trường chung. Đơn cử, MSN giảm 3,46%, FPT giảm 1,65%, MWG giảm 1,61%...

Nhiều mã thuộc nhóm ngân hàng cũng nằm trong nhóm kéo lùi chỉ số. Trong đó, 3 mã VCB, CTG, TPB nằm trong nhóm các mã tác động tiêu cực nhất đến phiên giao dịch ngày 28/7. Nhiều mã khác thuộc nhóm ngân hàng cũng phủ bóng sắc đỏ là HDB, KLB, LPB, SHB…

Tài chính - Ngân hàng - Cổ phiếu vốn hoá lớn bị bán mạnh cuối phiên, VN-Index chông chênh mức 1.200 điểm (Hình 2).

Cổ phiếu ngân hàng phân hóa mạnh. (Ảnh: SSI)

DGC của Hóa Chất Đức Giang thậm chí giảm kịch sàn. Các mã khác thuộc nhóm phân bón cũng có một ngày giao dịch buồn. DPM giảm 5,01%, CSV giảm 4,93%, DCM giảm 4,25%... Hay tại nhóm bán lẻ, ngoài MWR, DGW cũng giảm 3,14%, FRT giảm 5,8%...

Ở chiều ngược lại, vẫn có các mã tăng giá kìm đà rơi của chỉ số chứng khoán. Dù VIC giảm điểm trong một mã cùng hệ sinh thái là VHM lại là mã tác động tích cực nhất khi tăng 1,87%. Cũng có một số mã ngân hàng đóng góp tốt cho chỉ số như BID, TCB, VPB…

Một số mã bất động sản, xây dựng cũng ghi nhận tăng điểm phiên hôm nay là NVL, CII, TDH, CTD, VCG…

Tổng giá trị khớp lệnh đạt 14.852 tỷ đồng, giảm 9,6% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh trên HoSE giảm 7,5% xuống còn 12.915 tỷ đồng. Nhóm VN30 được sang tay hơn 6.200 tỷ đồng.

Sau 7 phiên mua ròng liên tiếp, khối ngoại đảo chiều bán ròng hơn 34 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại đã giải ngân 1.544 tỷ đồng và bán ra 1.578 tỷ đồng. NVL là mã bị bán mạnh nhất, giá trị lên tới 314 tỷ đồng, DGC bị bán 64 tỷ đồng, VHM bị bán 35 tỷ đồng, VCB bị bán 23 tỷ đồng… Ở chiều ngược lại, SSI được mua ròng 132 tỷ đồng, KBC được mua hơn 70 tỷ đồng, STB được mua 56 tỷ đồng, DXG được mua hơn 50 tỷ đồng.