Câu cửa miệng của nhà đầu tư bất động sản lúc này: “Hết tiền rồi, đừng gọi anh nữa!”

03/12/2022 12:18

Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, nổi trội trong đó là câu chuyện liên quan tới nguồn vốn và thanh khoản. Theo đó, nhiều môi giới bất động sản gọi tư vấn khách hàng đều nhận được câu trả lời dứt khoát: “Hết tiền”.

Từ đầu năm 2022, thị trường bất động sản đột ngột rơi vào trầm lắng, thanh khoản sụt giảm mạnh. Nguyên nhân tới từ việc các chính sách tiền tệ như tín dụng ngân hàng, trái phiếu đang bị kiểm soát chặt chẽ. Cùng đó, lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao trong thời gian gần đây khiến thị trường bất động sản “khó chồng khó”.

Theo đó, hoạt động môi giới bất động sản gặp nhiều khó khăn. Các môi giới cũng sử dụng nhiều cách để tìm kiếm khách hàng. Song, cũng chỉ nhận được những lời than vãn “hết tiền” từ các nhà đầu tư.

Anh Nguyễn Bách, chủ một phòng giao dịch bất động sản tại vùng ven Hà Nội cho biết, suốt 4 tháng nay, văn phòng anh trở nên vắng lặng, trái ngược với hoàn cảnh đầu năm. Nếu có khách ghé thăm, cũng chỉ nhờ anh bán mảnh đất đang nắm giữ.

“Đầu năm nay, văn phòng tôi lúc nào cũng nhộn nhịp, người tới mua nhiều hơn người bán. Thậm chí, có lúc nhà đầu tư còn trả thêm phí hoa hồng để chúng tôi tìm được mảnh đất ưng ý cho họ, nhưng giờ hoàn cảnh đã trái ngược. Người đến bán nhiều nhưng không có người hỏi mua”, anh Bách nói.

Để có giao dịch, anh Bách và các nhân sự liên tục gọi điện tới khách hàng cũ chào mời, tư vấn mua đất. Song, cũng chỉ nhận được câu trả lời: “Hết tiền rồi, đừng gọi anh nữa!”

“Nhiều khi khách hàng cũng khó chịu vì gọi nhiều, nhưng bất đắc dĩ vì thị trường không có giao dịch nên chúng tôi mới làm phiền khách. Trước kia, đa phần khách gọi suốt ngày để hỏi mua đất”, vị này nói.

Cùng hoàn cảnh, anh Trần Ngọc Hải, môi giới bất động sản tại Hòa Bình cho biết, năm ngoái, nhà đầu tư ở các nơi, đặc biệt là Hà Nội đổ xô về khu vực mua đất, dù giá liên tục tăng nhanh. Song, tới nay, thị trường đảo chiều, rất hiếm có khách hàng về hỏi mua.

“Để có giao dịch, tôi cũng bỏ tiền ra chạy quảng cáo. Dù khách hàng để lại số điện thoại nhưng đến khi gọi tư vấn thì khách trả lời, chỉ muốn biết giá bây giờ bao nhiêu, còn không có nhu cầu mua vì đã hết tiền”, anh Hải kể.

 Câu cửa miệng của nhà đầu tư bất động sản lúc này: “Hết tiền rồi, đừng gọi anh nữa!”  - Ảnh 1.

Theo anh Hải, thực tế, hiện nay nhà đầu tư cũng đang gặp khó về nguồn vốn vay. Do vậy, dù giá bất động sản đã giảm nhưng cũng không có tiền để mua tiếp.

Theo anh Nguyễn Văn Thanh, nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cho biết, nhiều nhà đầu tư trong thời gian sốt đã không chỉ sử dụng vốn thật mà dùng thêm đòn bẩy khiến dòng tiền hiện nay gặp khó. Những mảnh đất đang nắm giữ khó bán nên không có tiền để mua thêm hàng mới.

“Ngay cả những nhà đầu tư dùng tiền thật để mua cũng đang gặp khó về thanh khoản. Nhiều người hiện nay có đất nhưng không còn tiền”, nhà đầu tư này nói.

Thực tế, trong thời điểm thị trường bất động sản sôi động, nhiều nhà đầu tư đã đổ hết tài sản vào mua nhà đất, đến nay đã cạn dòng tiền đầu tư. Bên cạnh đó, việc thanh khoản khó cũng khiến nhiều người đang bị “chôn vốn”.

Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết, cả nước có 115.129 giao dịch thành công, tổng lượng giao dịch bằng khoảng 54% so với quý II/2022. Cụ thể, tại miền Bắc có 21.806 giao dịch; tại miền Trung có 18.789 giao dịch; tại miền Nam có 74.534 giao dịch.

Theo Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, đa phần các nhà đầu tư Việt Nam rất khác các nhà đầu tư nước ngoài ở chỗ, họ thường muốn tối đa hóa tỷ suất lợi nhuận, có nghĩa họ thường bỏ hết tiền vào kênh mà họ thấy có lời nhiều nhất.

Song, những người này thường không có khái niệm về dòng tiền, tức là không duy trì nguồn thu nhập đều đặn. Và thường những ai đã đầu tư vào bất động sản sẽ rất ít khi nhảy sang các ngành khác, trừ một số người đã biết đầu tư chứng khoán từ trước đó.

“Những nhà đầu tư bất động sản dồn từng miếng nhỏ thành một miếng lớn và tập trung tối đa hóa lợi nhuận. Nhìn sang nước ngoài, giả sử một người có 30 – 40 tỷ đồng, họ sẽ mua vài căn hộ để cho thuê lấy tiền chi tiêu mỗi tháng, rồi mua thêm vài mảnh đất, rồi đầu tư chứng khoán, tiền gửi ngân hàng cũng ít nhất có một vài tỷ để thanh khoản.

Đôi khi họ không trực tiếp đầu tư mà có thể thuê một bên tư vấn tài chính để quản lý danh mục. Họ an toàn ở chỗ lúc nào họ cũng có tiền mặt, có chứng khoán, có bất động sản khai thác,…

Nhưng các tiểu gia và đại gia của Việt Nam thường dồn hết tiền vào một kênh, lợi nhuận có thể lên tới 30 – 40% một tháng. Vì thế, trong giai đoạn hiện nay, có nhiều người rất dễ bị “tăng xông”, sống trên đống tài sản nhưng không thấy vui”, vị chuyên gia nói.